Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 11/12/2020, 07:27 (GMT+7)
Thiết lập thế trận phòng không trong chiến tranh hiện đại

Trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Bộ đội Phòng không - Không quân trên mặt trận đối không rất nặng nề, luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, xử lý thắng lợi mọi tình huống, kể cả cuộc tiến công đường không địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Để hóa giải bài toán này, cần phải thiết lập thế trận phòng không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chiến tranh hiện đại.

Thế trận nói chung, thế trận phòng không nói riêng là sự tổng hợp nhiều yếu tố từ vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật đến năng lực, trình độ tác chiến,... của cả hai bên tham chiến. Vì thế, cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ các điều kiện kể cả chủ quan và khách quan làm cơ sở, nền tảng để thiết lập thế trận phòng không, giữ vững quyền chủ động, bảo đảm đánh thắng trong chiến tranh hiện đại, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trước hết, nghiên cứu thế trận phòng không trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc, nhất là thế trận đánh địch bảo vệ Hà Nội, Hải phòng và một số địa bàn xung quanh trong Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972 cho thấy, xây dựng thế trận phòng không cần phải đạt được yêu cầu: vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn, có chiều sâu.

Hai là, tập trung nghiên cứu một số cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới, cho thấy: phương thức tiến hành, quy mô lực lượng, vũ khí, phương tiện chiến tranh, thời cơ và thời điểm, mục tiêu đánh phá, tiêu diệt rất đa dạng, tùy vào tính chất, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra. Như vậy, có thể nhận thấy rằng, tiến công đường không hiện nay, cũng như trong tương lai gần vẫn là phương thức chủ yếu trong chiến tranh hiện đại.

Ba là, trước sự phát triển nhanh của khoa học - công nghệ, trong đó có khoa học kỹ thuật quân sự đã và sẽ cho ra đời nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật tiến công đường không hiện đại, độ chính xác cao và mức độ sát thương lớn, như: máy bay không người lái, vũ khí siêu thanh có thể tiêu diệt một mục tiêu rất nhỏ cho đến khu vực mục tiêu nằm sâu trong nội địa của đối phương. Cùng với đó, vũ khí, khí tài phòng không của ta những năm gần đây cũng có sự phát triển vượt bậc: cải tiến, số hóa, hiện đại, tính cơ động cao,… có thể triển khai chiến đấu nhanh ở mọi loại địa hình, quản lý và tiêu diệt đồng thời nhiều mục tiêu trên không ở cự ly hàng trăm kilomet, v.v.

Bốn là, do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh làm biến dạng địa hình tự nhiên, tác động không nhỏ đến thế trận phòng không. Tuy nhiên, cũng có nhiều thuận lợi: chiến lược phát triển kinh tế của các ngành, lĩnh vực và các địa phương đều có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng và được cơ quan quân sự các cấp thẩm định chặt chẽ; khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, thế trận phòng thủ quân khu ngày càng được xây dựng vững chắc; hệ thống đường sá, cầu, phà, bến cảng,... phát triển bảo đảm cho lực lượng phòng không cơ động triển khai lực lượng, thiết lập và chuyển hóa thế trận linh hoạt, v.v.

Thực tiễn chỉ ra rằng, để làm chủ được mặt trận đối không, luôn chủ động với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ trước đòn tấn công đường không của đối phương, vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng được thế trận phòng không vững chắc, với hệ thống trận địa phòng không được bố trí thuận lợi, ý nghĩa chiến thuật cao, tạo lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, khép kín dải đất hình chữ “S” và vùng trời trên biển của Việt Nam, nhất là các mục tiêu, khu vực mục tiêu chiến lược không thể mất, sẵn sàng xử lý thắng lợi mọi tình huống, không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình và những thuận lợi, khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, lực lượng phòng không ba thứ quân, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân cần tiếp tục nghiên cứu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước thiết lập thế trận phòng không đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thứ nhất, xây dựng thế trận phòng không vững chắc, bảo đảm không bị phá vỡ trước mọi sự tấn công của địch, bảo toàn lực lượng đánh lâu dài. Để đáp ứng yêu cầu này, cần phải xây dựng hệ thống công sự trận địa cơ bản, kiên cố, vững chắc; dự bị, dã chiến, nghi binh, nổ giả,… đủ điều kiện cho các loại khí tài phòng không đều có thể vào triển khai chiến đấu ngay từ thời bình, bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống, kể cả tình huống phức tạp. Thế trận phòng không vững chắc không chỉ là hệ thống trận địa phòng không được xây dựng kiên cố ngay trong thời bình, chống được sự đánh phá ác liệt của các loại bom, đạn, tên lửa, mà còn phải bảo đảm bí mật và dựa vào thế thiên hiểm của địa hình, thế của lực lượng phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ, thế của lực lượng phòng không lục quân, thế trận phòng thủ quân khu, quan trọng hơn là “thế trận lòng dân” và thế trận chiến tranh nhân dân phát triển. Hiện nay, trước thực trạng hệ thống trận địa phòng không đang bị một số tổ chức, cá nhân lấn chiếm, xây dựng công trình ảnh hưởng đến tác chiến, thậm chí không còn giá trị sử dụng, trong khi đó, nếu chiến tranh xảy ra, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, đánh từ xa, có độ chính xác cao, sức công phá lớn, thì cần phải xây dựng hệ thống sân bay, trận địa chính thức kiên cố, vững chắc cho lực lượng tên lửa, rađa, súng pháo phòng không và các lực lượng không quân. Muốn có thế trận phòng không vững chắc, yêu cầu đặt ra là phải giữ được bí mật, tạo bất ngờ, giành quyền chủ động. Đó là cơ sở, tiền đề cốt lõi làm cho thế của ta ngày càng vững chắc, lực của ta ngày càng tăng lên, hiệu suất tác chiến cao, hạn chế tổn thất, thương vong, bảo toàn được lực lượng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Còn về địch, khi gặp thế trận phòng không vững chắc của ta, chúng sẽ mất nhiều thời gian nghiên cứu tìm cách đánh; lựa chọn bom, đạn, tên lửa để tấn công, phá hủy; phải đánh đi, đánh lại tốn kém, lỡ thời cơ, bộc lộ chỗ yếu, sơ hở, không phát huy được sức mạnh của vũ khí, kỹ thuật hiện đại, thậm chí phải đánh theo cách đánh của ta, tổn thất lớn và chấp nhận thất bại.

Thứ hai, xây dựng thế trận phòng không hiểm hóc. Khi xây dựng thế trận phòng không cần phải triệt để lợi dụng thế thiên hiểm của địa hình, thế trận phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ, thế trận phòng thủ quân khu tạo thế trận rộng khắp, nhiều tuyến, nhiều tầng, khép kín các mục tiêu, khu vực mục tiêu chiến lược cũng như toàn bộ lãnh thổ quốc gia bảo đảm đánh địch mọi lúc, mọi nơi, mọi độ cao, làm cho địch hoàn toàn bất ngờ, bị động đối phó. Xây dựng thế trận hiểm hóc cần phải tính đến thế xen kẽ giữa lực lượng phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ với lực lượng phòng không của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, trong đó, lấy xây dựng thế trận của lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân làm nền tảng. Trên cơ sở đó, chia cắt, phân tán đội hình máy bay địch, phá thế liên kết của chúng từ xa vào gần, trên đường bay đến mục tiêu, khu vực mục tiêu đánh phá. Đồng thời, có thể đánh địch từ bên sườn, phía sau, đánh địch cả bay vào, bay ra, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu, làm cho địch bị động, sa lầy, thất bại. Khi cần thiết, lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân có thể thiết lập thế trận theo “cụm phòng không” để tập trung hỏa lực đánh thắng địch nếu chúng sử dụng tên lửa hành trình, máy bay không người lái bay “bầy đàn” tiến công liên tục vào các mục tiêu, khu vực mục tiêu chiến lược.

Thứ ba, xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, đảm bảo cho các lực lượng phòng không, không quân liên kết chặt chẽ với nhau có thể đánh lần lượt từng mục tiêu từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới và cũng có thể đánh đồng thời vào nhiều mục tiêu trên cùng một đường bay mà vẫn phát huy hết tính năng, tác dụng của các loại vũ khí, trang thiết bị, khí tài; đồng thời, hỗ trợ, chi viện cho nhau, phát huy được mặt mạnh, giảm thiểu mặt hạn chế, không ảnh hưởng đến nhau trong quá trình tác chiến trên không. Thế trận phải bảo đảm đánh địch rộng khắp, khi cần thiết có thể nhanh chóng tập trung hỏa lực đánh đối tượng, mục tiêu chủ yếu; tập trung lực lượng đủ mạnh ở khu vực trọng điểm, chiến dịch quyết chiến chiến lược nhằm tiêu diệt lớn vũ khí, phương tiện tiến công đường không của địch. Đây là vấn đề khó, cần được nghiên cứu kỹ, dự kiến phương án, tổ chức luyện tập, sẵn sàng triển khai nhanh khi có tình huống.

Thứ tư, xây dựng thế trận phòng không có chiều sâu. Đây là thế trận bố trí lực lượng phòng không, không quân thành nhiều tuyến từ biên giới, hải đảo vào sâu trong nội địa, khép kín dải đất hình chữ “S” và các vùng biển Việt Nam; nhiều tầng, nhiều lớp từ độ cao vài chục mét cho đến vài chục kilomet che phủ vùng trời Tổ quốc, nhất là nơi có các mục tiêu, khu vực mục tiêu chiến lược. Theo đó, mỗi tuyến, mỗi lớp sẽ bố trí nhiều loại vũ khí, trang thiết bị, khí tài, tạo thành cụm phòng không, bảo đảm phát hiện sớm vũ khí, phương tiện tiến công đường không của địch, kịp thời tiêu diệt từ tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu chiến thuật đến máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới với mọi quy mô, lực lượng, thậm chí cả máy bay không người lái bay “bầy đàn” ở mọi hướng, từ xa đến gần, từ cao xuống thấp. Các đơn vị có thể đánh lần lượt hoặc tập trung trên cùng một đường bay, đánh liên tục nhằm cản phá, tiêu hao địch trước khi chúng tiếp cận mục tiêu đánh phá, tiêu diệt ngay máy bay không người lái xuất hiện bất ngờ gần mục tiêu, khu vực mục tiêu chiến lược. Thiết lập thế trận như vậy, đảm bảo thuận lợi trong xử lý các tình huống: nếu tuyến ngoài để lọt mục tiêu, tuyến trong sẵn sàng tiêu diệt; tầng cao chưa tiêu diệt được mục tiêu, tầng dưới sẵn sàng tiêu diệt, thậm chí khi chúng hoàn thành nhiệm vụ tăng cao, bay ra, cũng bị lực lượng phòng không đón đánh làm cho chúng không có cơ hội trở về căn cứ.

Thứ năm, thiết lập thế trận phòng không linh hoạt. Đây là vấn đề mới, rất khó, bởi chiến tranh hiện đại cả hai bên đều sử dụng vũ khí công nghệ cao, nên việc bảo toàn lực lượng đánh lâu dài có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần phải giải quyết. Để đáp ứng yêu cầu đó, việc xây dựng hệ thống trận địa phòng không phải đảm bảo nhiều yếu tố: đường cơ động, diện tích triển khai, khoảng không gian xung quanh,... cho các lực lượng phòng không có thể cơ động linh hoạt vừa bảo toàn lực lượng, vừa thay đổi đội hình chiến đấu, chuyển hóa thế trận mà vẫn bảo vệ, chi viện được cho nhau, thậm chí di chuyển hỏa lực đánh đối tượng chủ yếu, mục tiêu quan trọng, tiêu diệt lớn các phương tiện, vũ khí tiến công đường không của địch. Vấn đề đặt ra là, một trận địa có thể sử dụng cho nhiều loại vũ khí, trang thiết bị, khí tài phòng không vẫn đảm bảo phát huy hết tính năng, tác dụng và hỏa lực. Trên cơ sở thế trận đã được xây dựng, có thể ứng biến linh hoạt làm cho địch không thể phán đoán được cách bố trí lực lượng phòng không, không quân và cách đánh của ta như thế nào, dẫn đến bị động đối phó, thất bại.

Bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ trên không, đòi hỏi ngay từ thời bình cần thiết phải xây dựng thế trận phòng không vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn, có chiều sâu và linh hoạt, đảm bảo cho lực lượng phòng không ba thứ quân; trong đó, lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân là nòng cốt, sẵn sàng đánh thắng các cuộc tiến công đường không trong chiến tranh hiện đại.

Đại tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.